Thực ra, trong bối cảnh
kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đội ngũ chưa phải là một tập thể mạnh và thị trường luôn cạnh khốc liệt thì người doanh nhân rất dễ cảm thấy cô đơn, đôi khi là trầm cảm, bất lực. Và vì vậy, việc "tụt mood" không cảm thấy hạnh phúc, mất động lực làm việc, là chuyện rất dễ xảy ra.
Doanh nhân luôn bị áp lực trước các con số. Đầu tiên, là áp lực về tài chính. Họ điều hành doanh nghiệp, với mong muốn là dòng tiền phải dương, công ty kinh doanh có hiệu quả và tiên quyết là có đủ tiền để trả lương nhân viên và trả... nợ.
Năng lực "xoay" từ đó được hình thành và phát triển. Lo lắng nhưng luôn vẫn phải giữ phong thái tự tin, ung dung. Nhân viên, đặc biệt là tại các công ty vừa và nhỏ, chỉ nhìn vào ông chủ để làm việc và gắn bó. Họ sẽ bất an khi thấy chủ doanh nghiệp lo lắng, than vãn, cộc cằn....
Áp lực về cạnh tranh, doanh số ám ảnh luôn cả trong giấc mơ. Chủ doanh nghiệp trân quý từng vị khách hàng, cố gắng chiều chuộng họ. Nhưng nhân viên thì không phải ai cũng có tinh thần phục vụ đó. Khách hàng ý thức được tầm quan trọng của mình thì lại đôi khi quá quắt, khệnh khạng. Chủ doanh nghiệp rối bời trong việc " la lính, chìu khách" và lắm lúc phải hạ mình, kìm nén cái tôi.
Áp lực cũng đến từ gia đình. Ai có thể yên tâm khi tất cả tài sản của gia đình đang được giữ bởi... ngân hàng? Các câu hỏi mà doanh nhân phải đối mặt mỗi ngày, sự lo lắng của người thân... đôi khi làm ông chủ mạnh mẽ trước mặt nhân viên, sau giờ làm, không dám về nhà.
Chọn con đường kinh doanh, làm doanh nhân tức là chấp nhận thử thách và áp lực. Cho nên, doanh nhân rất cần giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết, năng lượng tích cực và sự lạc quan. Ngọn lửa đó - đầu tiên, phải do doanh nhân tự thắp lên cho chính mình.
Suy cho cùng, điều hành kinh doanh là trải nghiệm giúp con người hoàn thiện được bản thân, khám phá được những năng lực tiềm ẩn, mở rộng mối quan hệ, thấy mình sống có ích, tạo ra giá trị cho xã hội, tận hưởng cuộc sống. Đây chính là động lực để doanh nhân mỗi ngày hăm hở lao vào thương trường. Trong việc khích lệ bản thân, không ai khác, chính doanh nhân phải làm điều đó. Nếu anh không thể tự mình thắp lửa, anh đã sai khi dấn bước thương trường.
Ngoài ra, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng cũng chính là nguồn động viên to lớn cho doanh nhân. Sự thông hiểu, thương yêu của gia đình; sự đồng cảm, chung lưng đấu cật của nhân viên; sự ghi nhận, trân trọng, tôn vinh của cộng đồng... chính là nền tảng vững chắc để doanh nhân yên tâm chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình.
Thomas Friedman cho rằng: "Kinh doanh là một cuộc thi chạy 100m không dừng. Ngay khi về tới đích, người vận động viên lại bắt đầu chặng đua mới." Để đủ sức cho các cuộc đua không ngừng nghỉ, doanh nhân phải biết cách giữ lửa cho mình!
Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books
Theo Trí Thức Trẻ